Ông Trần Anh Vương đại diện doanh nghiệp Việt Nam tham dự DĐDN Việt Nam 2012- VBF.

01/01/1970 08:00 +08 - Lượt xem: 56893

 


Chủ đề Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) năm nay là “Từ ổn định tới phục hồi kinh tế”, nhưng đại diện nhiều tổ chức và DN tham dự cho rằng, chặng đường này không ngắn và chắc chắn sẽ còn nhiều gập ghềnh, trắc trở.

Phát biểu khai mạc VBF 2012 diễn ra sáng 29/5, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã nhận diện thực tế khó khăn và đang có những động thái chính sách nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Có thể nói, đây là thời điểm quan trọng để hành động và ý kiến đóng góp của các đối tác cũng như DN sẽ rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển.
Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Preben Hjortlund chia sẻ, trong khi các DN châu Âu vẫn hy vọng vào sự phát triển trong dài hạn của Việt Nam, thì lòng tin kinh doanh của họ trong ngắn và trung hạn có chiều hướng suy giảm. Trong năm qua, chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của EuroCham tại Việt Nam đã giảm từ 70 điểm xuống còn 53 điểm và hiện chỉ xoay quanh mức này. Vậy đâu là lý do thật sự giải thích sự sụt giảm lòng tin này?
Ông Preben nhận định, đó là hậu quả của những tồn tại mang tính hệ thống của nền kinh tế Việt Nam vốn đã được nêu trong “Sách trắng” về môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm ngoái chậm được giải quyết. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Một ví dụ điển hình về việc áp dụng hai chính sách đó là trong ngành bán lẻ, khi mà quy định ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) không áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhưng lại áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào dịch vụ bán lẻ. Đồng thời, sự khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, một loạt vấn đề mới liên quan đến khả năng “tiếp cận thị trường” gây ảnh hưởng đáng kể đến việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, đã tác động tiêu cực đến nhận định của các DN châu Âu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), ông Mark Gillin, Phó chủ tịch AmCham cho biết, trong những năm gần đây, cùng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội DN khác tại VBF, AmCham đã trình lên Chính phủ Việt Nam một số kiến nghị, cụ thể như về Luật Lao động sửa đổi và các vấn đề về mức lương tối thiểu; Luật Kiểm soát giá, Giấy phép lao động cho người nước ngoài, các vấn đề về chăm sóc y tế… Tuy nhiên, phản hồi đối với những kiến nghị này chưa được tích cực.
Trong khi những kiến nghị của các tổ chức này được nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam nhất trí, thì dường như việc bắt tay vào thay đổi trên thực tế lại khá chậm chạp. Việc chậm cởi bỏ những điểm nghẽn của nền kinh tế không chỉ khiến Việt Nam có nguy cơ rơi vào “cái bẫy thu nhập trung bình”, mà còn khó có khả năng cạnh tranh ngay cả trong vai trò “nhà máy đối tác” sản xuất các sản phẩm tiêu dùng có giá trị thặng dư thấp so với những thị trường mới nổi khác. “Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm mạnh dòng vốn FDI khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng, qua đó tác động đến hàng trăm ngàn công ăn việc làm tại Việt Nam”, ông Mark nhấn mạnh.

Là đại diện ít ỏi của doanh nghiệp Việt Nam tham dự VBF, ông Trần Anh Vương, phó chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, trong số 440 nghìn doanh nghiệp hiện nay, có tới 65% báo cáo quyết toán thuế lỗ trong năm 2011, với số lỗ lên tới 6,5 tỷ đô la Mỹ. Trong 2 năm qua, lãi suất ngân hàng tăng từ 10,5% lên mức 26%/năm vào thời điểm năm 2011, khiến nhiều doanh nghiệp không thể lường trước được mức độ khó khăn khi xây dựng phương án kinh doanh. Chi phí vốn thời gian gần đây trở nên quá cao với các doanh nghiệp do chính sách tiền tệ giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính thế giới đã có ảnh hưởng to lớn đến tình trạng lạm phát cao và kéo dài trong mấy năm gần đây. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ gói kích cầu của Chính phủ vào năm 2009 đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nhưng sau mấy năm vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ lãi làm ra chỉ đủ hoặc không đủ để trả lãi vốn vay dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp bị phá sản, đe doạ việc làm của hàng chục ngàn người.

Theo ông Vương:
“Gói hỗ trợ, giảm, giãn thuế mới đây của Chính phủ được tính toán là 29.000 tỷ đồng không đủ hấp dẫn và khó phát huy tác dụng, vì điểm mấu chốt bây giờ là phải kích cầu đầu ra. Phải tạo điều kiện để DN đưa sản phẩm ra thị trường, giải quyết hàng tồn kho, trước khi tính đến việc hỗ trợ giảm, giãn thuế”, ông Vương nhấn mạnh và cho rằng, “Chính phủ cần trợ giúp DN bằng nguồn tiền có lãi suất ưu đãi, dựa trên các tiêu chí về công nghệ và đảm bảo việc làm, chứ không chỉ nên dựa vào tiêu chí đánh giá ‘phương án kinh doanh có hiệu quả’ của các cán bộ thẩm định tại ngân hàng thương mại”.
Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Bắc Việt, đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội, cho rằng, muốn thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực gió, sinh khối, sản xuất khí sinh học, Chính phủ cần có sự cam kết đối với cơ chế biểu giá khuyến khích đối với từng nguồn năng lượng, nêu rõ chi phí kèm theo mức lợi nhuận kinh tế hợp lý cho nhà đầu tư.
< Tổng hợp các báo >
 




Bài xem nhiều